Xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử chủ yếu thuộc về doanh nghiệp FDI

Quy mô kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng điện tử lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng điện tử chủ yếu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ 5-10%.

Theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan công bố ngày 28/2, nửa đầu tháng 2, cả nước chi 3,27 tỷ USD nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đến 15/2 của nhóm hàng này lên con số 9,83 tỷ USD. Dù vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả trên vẫn thấp hơn 904 triệu USD (tương đương giảm 8,4%).

“Đầu tàu” xuất khẩu

Những năm gần đây, điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân cả giai đoạn 2011-2021 tăng 34%.

Đáng chú ý, năm 2022, riêng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt tổng kim ngạch 137,42 tỷ USD, chiếm tới 18,82% tổng kim ngạch cả nước.

-6674-1677600499.jpg
Nhà máy sản xuất điện thoại Samsung tại Thái Nguyên

Trong đó, xuất khẩu đạt 55,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; nhập khẩu đạt 81,88 tỷ USD, tăng 8,4%.

Còn theo số liệu vừa cập nhật của Tổng cục Hải quan, trong 1,5 tháng đầu năm, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 5,22 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu đa dạng như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông…

Giá trị xuất khẩu cao, góp tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Tới 95% giá trị xuất khẩu hàng điện tử nằm trong tay doanh nghiệp vốn ngoại”, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận xét.

Nguyên nhân là do tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng phần lớn cung cấp các sản phẩm hàm lượng công nghệ, giá trị thấp.

Ở nhóm các doanh nghiệp FDI, Samsung đứng đầu tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, tiếp đó là LG. Trong Top 20 công ty điện tử công nghệ thông tin lớn nhất thế giới, hơn một nửa doanh nghiệp đã có mặt và đặt nhà máy tại Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng… Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI còn “èo uột”. Chẳng hạn, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho Samsung Việt Nam tăng từ 4 lên 35 nhà cung cấp trong 4 năm.

Trong chuỗi cung ứng của Panasonic Việt Nam hiện có 4 doanh nghiệp Việt, nhưng giá trị cung ứng mới chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của tập đoàn này. Còn Canon Việt Nam vẫn liên tục tìm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hoá.

Các doanh nghiệp điện tử nội địa chiếm thị phần nhỏ. Đáng lưu ý, một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Viettel… đang dần mờ nhạt trước sự lấn át của các “ông lớn” nước ngoài.

Làm gì để doanh nghiệp Việt làm chủ “sân nhà”?

Theo cơ quan thống kê, các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn làm được như vậy, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh hơn, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

Còn theo các chuyên gia, để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, nguy cơ doanh nghiệp Việt tụt hậu xa hơn do phát triển quá nhanh của công nghệ 4.0. Trong khi đó, doanh nghiệp không có nhiều sự giúp đỡ từ cơ quan nhà nước.

Một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam.

“Chính phủ cần tập trung đầu tư vào các công ty hàng đầu, vừa và nhỏ. Về chính sách, cần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số”, bà Hương khuyến nghị.

Về phía doanh nghiệp, bà Hương cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hoá. Cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong xuất khẩu; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!